img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách văn 10 kết nối tri thức và chân trời sáng tạo

Tác giả Hoàng Uyên 15:13 28/12/2023 18,801 Tag Lớp 10

Dưới bóng hoàng lan kể về hành trình trở về thăm quê cũ của nhân vật Thanh sau hai năm xa cách. Để giúp các em có thể hiểu rõ hơn về những diễn biến tâm lý của Thanh, VUIHOC trân trọng gửi đến các em chi tiết phần soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách ngữ văn 10 tập 2 kết nối tri thức và chân trời sáng tạo.

Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách văn 10 kết nối tri thức và chân trời sáng tạo
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách văn 10 kết nối tri thức

1.1 Soạn bài Dưới bóng hoàng lan trước khi đọc

Câu 1: 

Một trong những kỷ niệm khiến em bồi hồi và khó quên đó là khi về thăm trường cũ, ngôi trường cấp 2 thân yêu. Dù rằng việc đã từng dành bốn năm tuổi trẻ tại đây khiến em hầu như đã quen hết mọi ngóc ngách trong trường, nhưng khi trở về thăm lại chốn cũ dưới danh nghĩa cựu học sinh thì điều này vẫn thật lạ lẫm. Ngay khi bước chân đến cổng trường là từng dòng ký ức xưa trở về trong tâm trí em. Hiện lên trong em là khung cảnh ngày xưa từng nô đùa cùng bạn học, từng đợi chờ đón đưa dưới chiếc cổng thân yêu này. Bước vào khuôn viên trường, thay vì là khung cảnh sân trường đông vui nhộn nhịp mà em từng biết giờ đây được thay đổi bằng sự vắng lặng của kỳ nghỉ hè. Những lớp học đầy ắp học sinh mà em từng ngồi giờ đây đã được khóa chặt và cô đơn hơn bao giờ hết. Chính cái sự vừa quen vừa lạ đó khiến em trở nên bồi hồi. Em muốn được sống lại trong cái không khí học sinh cấp 2 xưa kia, nhưng mỗi khi tìm thấy một vài mảnh ký ức quen thuộc, giờ đây trông chúng lại xa lạ và cô đơn. Một niềm hân hoan vui vẻ khi được ngắm nhìn ngôi trường xưa, một cảm xúc bỡ ngỡ trước sân trường vắng lặng, và một sự bồi hồi xao xuyến khi giờ đây bản thân sẽ mãi mãi không thể nào quay về quãng thời gian đẹp đẽ xưa kia. Và chính vì không thể quay trở lại quãng thời gian xưa mà em lại càng trân quý hơn những kỷ niệm cấp 2 đẹp đẽ trong tâm trí em.

>> Xem thêm: Soạn văn 10 chi tiết

Câu 2:

Cuộc sống hối hả hiện nay khiến chúng ta dường như quên mất sự tồn tại của những sự vật rất đỗi gần gũi bên cạnh mình. Đó là dòng suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu em khi đang vội vã chen chúc trên chiếc xe bus để kịp giờ học. Tại sao em lại có suy nghĩ này ư? Bởi qua khung cửa kính cũ kỹ của chiếc xe bus, em nhìn thấy ở phía xa xa nơi hàng cây bên đường, trên một cành chạc ba, có một chiếc tổ chim nhỏ với cặp chim bố mẹ đang mớm cho chim con ăn. Có lẽ mọi người trên xe bus đều không hề chú ý đến chiếc tổ chim này, hoặc họ có nhìn thấy nó, nhưng rồi vội quên đi ngay để dành thời gian cho những suy tư toan tính của cuộc sống. Chiếc tổ chim này có từ bao giờ? sao chúng lại làm tổ ở đây, liệu chúng có chịu được cái giá rét của mùa đông sắp tới không?, v.v. Những câu hỏi bất chợt hiện lên trong vô thức. Nếu là một ngày bận rộn có lẽ em sẽ không suy nghĩ nhiều về chiếc tổ chim này như vậy. Nhưng hôm nay bất chợt em lại nghĩ về chúng. Thiên nhiên thật đẹp đẽ và kỳ diệu làm sao. Phải chăng nếu như nhịp sống bớt hối hả hơn một chút thì chúng ta đã có thể chú ý hơn đến những thứ đẹp đẽ mà bình dị quanh ta, để rồi nhận ra một vài ý nghĩa nào đó của chúng. Vì vậy, hãy trân trọng từng phút giây và luôn chú ý lắng nghe những dấu hiệu mà cuộc sống ẩn chứa xung quanh ta.

1.2 Soạn bài Dưới bóng hoàng lan trong khi đọc 

Câu 1:

Một vài dấu hiệu giúp nhận biết ngôi kể chuyện:

- Cách xưng hô: ngôi kể thứ nhất đặc trưng bởi người kể chuyện xưng “tôi”. Trong khi đó, ngôi thứ ba lại không có lối xưng hô cụ thể bởi người kể truyện thường ẩn đi và không trực tiếp xuất hiện.

- Mức độ tham gia vào câu chuyện:  

Ngôi kể thứ nhất là ngôi kể mà trong đó người kể chuyện tham gia trực tiếp vào câu chuyện, trở thành một nhân vật trong cốt truyện. Tuy nhiên, người kể chuyện cũng chỉ có thể nhìn nhận sự việc theo một số khía cạnh nhất định.

Ngôi kể thứ ba là ngôi kể khắc  phục được nhược điểm trên. Người kể chuyện có thể để lại những lời nói, lời bình luận, bày tỏ thái độ, nắm bắt được toàn bộ các sự việc diễn ra và nhìn nhận câu chuyện ở nhiều khía cạnh hơn cũng như bao  quát hơn.

Trong tác phẩm này, người kể chuyện không xuất hiện một cách trực tiếp và do đó ta có thể kết luận rằng câu chuyện đang được kể ở ngôi thứ ba.

Câu 2:

Khi trở về với khung cảnh xưa, trở về với không gian thân thuộc, nhân vật Thanh đã thể hiện tâm trạng vui sướng hạnh phúc, bình yên và thong thả bởi vì căn nhà xưa này đối với anh là một nơi mát mẻ hiền lành nơi mà người bà kính yêu vẫn luôn chờ đợi để yêu thương anh. Đặc biệt, Thanh còn có một cảm giác quen thuộc như khi chưa bao giờ phải rời xa nhà. Tâm trạng này của Thanh giống với bao người con xa quê khác mỗi khi về thăm nhà.

Câu 3:

Khi nhận ra cây hoàng lan, Thanh đã nhớ về những kỷ niệm gắn bó với bóng cây hoàng lan hồi ba mẹ anh còn sống. Thanh cảm thấy xúc động khi phát hiện cây hoàng lan năm xưa nay đã lớn. Anh thấy thoải mái và nhẹ nhõm khi quay về với khu vườn thân quen. Đây là trạng thái hoài niệm được thể hiện rõ nét với nhân vật Thanh.

Một số chi tiết về cây hoàng lan được xuất hiện trong câu chuyện

  • Thân cây cao vút lên trời

  • Lá cây rung động trong gió

  • Hương thơm của hoa thoang thoảng bay

  • Những kỷ niệm hồi bé với cây hoàng lan

Câu 4:

- Lời của người kể chuyện là những câu hỏi gợi mở cảm xúc của nhân vật, mở ra diễn biến tiếp theo của câu chuyện, còn lời độc thoại nội tâm chính là câu hỏi nghi vấn mà Thanh tự hỏi bản thân mình, là suy nghĩ bên trong của Thanh.

- Lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật có sự xen kẽ với nhau, người đọc dễ bị nhầm lẫn hai câu với nhau và có thể hiểu sai dụng ý của tác giả.

- Sự đan xen hai lời kể, lời nói góp phần làm rõ hơn về tâm trạng của Thanh, gợi sự tò mò về người mà Thanh nghe tiếng thấy quen và từ đó mở ra diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

Đoạn văn có sự đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm của nhân vật. 

- Lời người kể chuyện trong việc miêu tả những cử chỉ ngoại hiện của Thanh: “Chàng cảm động gần ứa nước mắt.” 

- Những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Thanh khi suy nghĩ về bà: “Bà yêu thương cháu quá”, câu Thanh tự hỏi “Tiếng ai?”, “Mà bà làm bếp có một mình thôi ư?”.

- Câu văn “Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được” vừa là lời của người kể chuyện vừa biểu thị nội tâm của nhân vật.

Câu 5:

Biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh:

- Lời nói: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá” - lời nói tâm tình, nhẹ nhàng của Nga đã thể hiện nỗi nhớ đến Thanh mỗi khi đến hái hoa.

- Tâm trạng: Tâm trạng hạnh phúc nhưng vẫn chứa sự buồn thương khi Nga và Thanh vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm với nhau thì lại sắp phải xa nhau.

- Qua lời nói: nhân vật Thanh xưng “tôi” và gọi đối phương là “cô Nga”, còn Nga thì xưng “em” và gọi Thanh là “anh”. Qua cách xưng hô, nhân vật Nga biểu thị tình cảm thân mật hơn. Hơn thế nữa, nhân vật Nga biểu thị trực tiếp nỗi nhớ, tình cảm của mình qua lời nói “em nhớ anh quá”. Ngược lại, qua ngôn ngữ, nhân vật Thanh hơi lạnh nhạt, chỉ trả lời những câu Nga hỏi và không đáp lại những lời bày tỏ tình cảm của Nga.

Đăng ký ngay để được các thầy cô tổng hợp kiến thức và xây dựng lộ trình đạt 9+ thi THPT Quốc Gia

Câu 6

Ý nghĩa lời đối thoại giữa bà cụ và Nga về chuyện hái hoa hoàng lan:

- Bà cụ chỉ đơn thuần hỏi Nga vì sao hái hoa khi còn non, còn câu trả lời của Nga ẩn ý cho tình cảm của cô với Thanh.

- Lời đối thoại giữa bà cụ và Nga cũng là một cách mà Nga bày tỏ tình cảm của mình với Thanh, là một chi tiết không thể thiếu trong diễn biến câu chuyện.

Lời đối thoại giữa bà cụ và Nga dường như không chỉ nói về chuyện hái hoa hoàng lan khi cây vẫn còn non, mà thông qua lời nhân vật Nga nói “Anh con hái đấy ạ” và cử chỉ Nga nhìn Thanh “mỉm cười”, có thể suy đoán, bà cụ và Nga nói chuyện về tình cảm con người. Bà cụ như muốn hỏi cái vì sao Nga lại bày tỏ tình cảm sớm thế, khi Thanh còn chưa ra biểu lộ tình cảm gì.

Câu 7:

Dưới bóng hoàng lan là một câu chuyện với kết mở đối với tình cảm của Nga và Thanh. Cái kết mở này được thể hiện qua một số chi tiết:

  • Chi tiết Thanh đứng lại nhìn cây hoàng lan và dặn khẽ: “Tôi có nhời chào cô Nga nhé”.

  • Chi tiết về tâm trạng của Thanh, tâm trạng nửa buồn nửa vui, trong tâm trí cứ nghĩ mãi về Nga cũng như tình cảm của Nga với mình. Chàng “biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước”

  • Chi tiết nói về nỗi nhớ của Nga và chuyện Nga luôn hái hoa hoàng lan cài lên tóc.

Những chi tiết kể trên giúp chúng ta không khó để nhận ra tình cảm của Nga và Thanh sẽ còn tiến triển, còn đẹp mãi, còn nở rộ và lan tỏa hương thơm giống như vẻ đẹp của những bông hoa hoàng lan vậy.

1.3 Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sau khi đọc 

Câu 1 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba. Điều này được nhận biết bởi người kể chuyện ẩn mình khỏi câu chuyện để chứng kiến toàn bộ sự việc, cũng như không hề xưng “tôi” trong toàn bộ câu chuyện.

Việc sử dụng ngôi kể thứ ba đem đến sự nhất quán từ đầu đến cuối câu chuyện. Qua đó, người kể không hề xuất hiện một cách trực tiếp tham gia diễn biến sự việc. Ngược lại, người kể chỉ xuất hiện thông qua những câu hỏi và để lại nhận xét, bình luận, đánh giá cảm xúc của từng nhân vật.

Câu 2 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Toàn bộ các hình ảnh trong câu chuyện, từ hình ảnh thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt, cảnh tình cảm mạn nồng…. đều được thể hiện qua đôi mắt của người kể chuyện. Ở đây, người kể chuyện sử dụng ngôi kể thứ ba. Do đó, người kể chuyện đã nhìn toàn cảnh sự vật dưới góc độ của một người không tham gia trực tiếp câu chuyện mà chỉ đứng trên cao quan sát và rồi kể lại qua lời kể của mình.

Việc lựa chọn một điểm nhìn của ngôi kể thứ ba giúp người kể chuyện có thể bao quát toàn bộ các sự việc, từ các diễn biến chính cho đến những thay đổi nhỏ nhất bên trong tâm trạng tình cảm của nhân vật. Đồng thời, điểm nhìn này giúp người đọc có được góc nhìn và cảm nhận một cách bao quát và rõ ràng nhất về toàn bộ cốt truyện, diễn biến và cảm xúc của các nhân vật trong từng giai đoạn.

Câu 3 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Cuộc hội thoại giữa Thanh và người bà đã thể hiện Thanh rất mực yêu quý bà mình. Anh hỏi han bà về những điều nhỏ nhặt trong thời gian anh đi làm ăn xa. Anh ân cần quan tâm về tình trạng sức khỏe của bà. Ngược lại, bà cũng rất mực quan tâm và ân cần đối với Thanh.

Tình cảm mà các nhân vật dành cho nhau được bộc lộ trực tiếp qua lời thoại của  từng người. Đó là những lời hỏi thăm về sức khỏe của hai bà cháu, là những lời quan tâm chăm sóc mà ẩn chứa trong đó là sự quan tâm vô bờ bến.

Câu 4 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Tình cảm của Thanh và Nga được thể hiện rõ nét nhất qua các tình huống:

  • Hành động: Thanh nắm tay Nga dắt ra vườn xem; Thanh với cành hoa hoàng lan xuống thấp để Nga tìm hoa.

  • Lời nói: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá” - lời tâm sự đầy tình ý mà thỏ thẻ nhẹ nhàng của Nga đã thể hiện nỗi nhớ đến Thanh mỗi khi đến hái hoa.

  • Tâm trạng: Tâm trạng hạnh phúc và ẩn chứa sự buồn thương khi Nga và Thanh vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm với nhau đã lại phải xa nhau mà chưa biết ngày gặp lại.

Từ những hành động, lời nói cũng như tâm trạng của hai nhân vật Thanh và Nga đều thể hiện họ yêu nhau sâu đậm đến nhường nào. Hai người đều thương nhớ nhau trong những ngày Thanh đi làm ăn xa nhà. Cả hai đều nhớ kỹ và lưu giữ trân trọng những kỷ niệm chung hồi còn bé. Đặc biệt, họ vẫn dành cho nhau sự thắm thiết như chưa hề xa cách nhau bao giờ.

Câu 5 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Nghệ thuật viết truyện đặc sắc của Thạch Lam được thể hiện qua cả 3 yếu tố về cốt truyện, nhân vật và lời kể. Truyện của ông có sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố kể trên mà không quá nặng về cốt truyện. Tuy nhiên, dường như lời kể chính là yếu tố chính làm nên thành công của truyện Thạch Lam. Đồng thời truyện của Thạch Lam còn đậm chất thơ và vô cùng lãng mạn.

- Yếu tố lời kể là yếu tố thể hiện rõ nhất nghệ thuật viết truyện của Thạch Lam:

  • Tác giả sử dụng lời kể tâm tình để miêu tả không gian chốn cũ nơi Thanh từng lớn nên như ngôi nhà, khu vườn, nơi ẩn chứa những kỉ niệm thơ ấu tươi đẹp của Thanh: “…Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay … vẫn tóc bạc phơ và hiền từ”.

  • Lời kể giúp lột tả những tình cảm suy nghĩ của nhân vật Thanh: “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ t…  ngừng lại trên bậc cửa”. Những câu văn này thể hiện một tâm trạng thoải mái mang theo sự hoài niệm.

  • “Sự chăm sóc ân cần của bà … đem đến chàng sự nhẹ nhõm….”. Đoạn văn với lời kể nhẹ nhàng đã khắc họa rõ nét cho ta thấy một nhân vật Thanh yêu quê hương da diết cũng như tình cảm đậm sâu dành cho người ba.

  • Lời kể được tái hiện được bức tranh tình yêu đôi lứa trong sáng giữa Nga và Thanh. Tuy lời yêu chưa được nói ra nhưng qua giọng kể của Thạch Lam, ta cảm nhận được cả hai nhân vật đều đã yêu nhau say đắm và tình ý ngập tràn trong các câu văn.

Câu 6 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Cây hoàng lan tuy không hề ảnh hưởng đến hành động của các nhân vật trong truyện, tuy nhiên nó lại chứng kiến toàn bộ sự việc liên quan đến cuộc đời Thanh từ khi còn bé đến khi lớn. Bởi vậy, cây hoàng lan như một biểu tượng, một nhân chứng cho toàn bộ câu chuyện. Chính vì tính biểu tượng cao nên “Dưới bóng hoàng lan” được lựa chọn để làm nhan đề cho toàn bộ câu chuyện.

Ngoài ra, “Dưới bóng hoàng lan” còn có ý nghĩa:

  •  Là một sự ẩn dụ, gợi sự tò mò của người đọc và ẩn chứa thông điệp rằng nội dung câu chuyện sẽ liên quan đến cây hoàng lan.

  • Là một nhân chứng quan sát toàn bộ thăng trầm cuộc sống của nhân vật Thanh từ khi còn sống với bà thuở thơ ấu cho đến khi trưởng thành về thăm quê cũ.

  • Bông hoa hoàng lan là kỷ vật mà Thanh đã cài lên tóc Nga. Một hành động như chính thức cam kết về mối tình chớm nở mà đẹp như như chính bông hoa hoàng lan ấy. 

Có thể thấy, nhan đề “dưới bóng hoàng lan” có ý nghĩa rất quan trọng đối với tác phẩm. Nó khẳng định giá trị biểu tượng mà nhân chứng hoàng lan thể hiện trong toàn bộ tác phẩm.

Câu 7 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Sau khi đọc câu chuyện Dưới bóng hoàng lan, em ấn tượng nhất về cảnh Thanh cài hoa lên tóc Nga bởi cảnh này đại diện cho một tình yêu ngây ngô trong sáng.

  • Khoảnh khắc mà Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan thật nhẹ nhàng và tinh tế. Một khoảnh khắc rất đỗi lãng mạn của tình yêu đôi lứa.

  • Cây hoàng lan không chỉ gắn liền với tuổi thơ của Thanh và bà mà giờ đây nó còn như một nhân chứng cho tình yêu của Thanh và Nga, một nhân chứng chứng kiến  tình yêu lãng mạn của đôi lứa sau những năm xa cách.

Câu 8 trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Nhà thơ Thế Lữ đưa ra nhận xét “nhân từ như một lời yên ủi” là bởi trong tác phẩm dưới bóng hoàng lan, tình cảm của tác giả đối với cuộc sống được thể hiện vô cùng rõ ràng và chi tiết:

  • Tình yêu quê hương: một tình cảm nồng ấm mà được Thanh dành tặng cho vùng đất bình yên này. Dù đi làm xa nhưng Thanh vẫn luôn nhớ về quê nhà, về kỷ niệm tuổi thơ ấu dưới bóng hoàng lan.

  • Tình cảm gia đình: Là tình bà cháu mộc mạc nhưng đầy gắn bó. Thanh yêu thương và nhớ đến người bà tóc đã bạc, lưng đã còng.

  • Bà của Thanh yêu thương anh không chỉ bằng tình cảm bà-cháu mà còn như tình yêu thương của cha mẹ. Bởi vì Thanh đã mồ côi từ khi còn nhỏ nên từ xưa đã chỉ còn hai bà cháu ngày ngày “quấn quýt với nhau”.

  •  Tình yêu đôi lứa: đây là tình cảm đẹp nhất, lấp lánh nhất được thể hiện trong câu chuyện. Một mối tình đầu thẹn thùng e ấp mà vẫn đôi nồng nhiệt như hương hoa lan.  Thanh và Nga thuở nhỏ đã là hàng xóm của nhau và bên nhau như một cặp thanh mai - trúc mã. Trên cơ sở này, tình yêu của họ nảy nở và đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

→ Với tình người nồng ấm, ngọt ngào như hương hoàng lan, nhẹ nhàng lan tỏa suốt các trang văn, ta có thể nhận thấy được niềm tin và hy vọng của tác giả khi viết truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan.

Sổ tay Ngữ Văn tổng hợp các tips học văn hiệu quả giá chỉ bằng một cốc trà sữa. Nhanh tay đặt hàng thôi bạn ơi!!!

1.4 Kết nối đọc viết trang 52 SGK Văn 10/2 kết nối tri thức

Dưới bóng hoàng lan là một truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Thạch Lam với khung cảnh làng quê gần gũi cùng cốt truyện nhẹ nhàng, nhưng vẫn khiến người đọc bị lôi cuốn hấp dẫn bởi những điều độc đáo mới lạ mà ngòi bút của Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị tình thân. Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan viết về một lần trở về quê hương của nhân vật Thanh. Trong lần trở về này, anh gặp lại người bà mà anh yêu quý, gặp lại những người anh yêu thương và hết mực kính trọng. Chính những cảm xúc và tâm trạng này của Thanh trong chuyến về quê là điểm độc đáo thu hút người đọc bởi ai cũng có những ao ước khát khao được trở về chốn bình yên xưa kia. Thanh khi trở về quê đã được ngắm nhìn khung cảnh thân thuộc yêu dấu sau hai năm xa cách. Đặc biệt là cuộc hội ngộ với cô bé hàng xóm tên Nga mà cả hai thầm thương trộm nhớ lẫn nhau. phần cuối đoạn văn là những thay đổi trong tâm trạng của nhân vật Thanh. Anh cảm thấy hạnh phúc vì người bà mà anh yêu quý vẫn khỏe mạnh. Một cảm xúc vui vẻ vì anh vẫn còn ngôi nhà để trở về nghỉ ngơi sau chuỗi ngày căng thẳng cho công việc. Và khi phải tạm chia tay nơi này để quay về với thành phố là trong Thanh dâng trào một nỗi đượm buồn. Nỗi buồn không chỉ là do phải tạm rời xa chốn bình yên này, mà còn bởi anh phải tạm rời xa người con gái mà anh thầm thích khi trong khi mối tình chỉ vừa chớm bắt đầu. Nhưng trong anh vẫn còn hy vọng. Niềm tin hi vọng rằng dù Thanh có đi xa đến đâu thì Nga vẫn sẽ chờ đợi anh quay về như ngày xưa Nga đã từng làm. Một mối tình đẹp và trong sáng biết bao. Và khi chờ đợi Thanh, Nga sẽ hái hoa hoàng lan cài lên tóc như một tín hiệu thương nhớ gửi đến cho anh. Đây là cử chỉ nhằm thể hiện nỗi nhớ về hành động ngày xưa khi mà Thanh đã từng cài bông hoa hoàng lan lên tóc Nga. Một tình yêu đẹp dưới bóng cây hoàng lan. Đoạn cuối câu chuyện không chỉ kết lại tác phẩm mà nó cũng kết lại tâm trạng của Thanh sau khi về thăm nhà và đồng thời là một cái kết mở cho tình yêu tuyệt đẹp của Thanh và Nga.

2. Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách văn 10 Chân trời sáng tạo  

2.1 Câu 1 trang 14 SGK văn 10/2 Chân trời sáng tạo

*Khi bước vào khu vườn có ngôi nhà của bà, điều đã khiến Thanh cảm thấy nghẹn họng, mừng rỡ, bình yên, thư thái, dịu ngọt,... 

- Đó là sự yên lặng trầm tịch của gian nhà cũ, “không có gì thay đổi, y nguyên như ngày chàng đi hồi xưa”

- Cây hoàng lan vẫn thơm ngát, gợi nhớ cho Thanh những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

- Bà của Thanh vẫn hiền từ, quan tâm, chăm sóc Thanh như ngày nào.

*Không gian bên trong và bên ngoài khu vườn có những sự khác biệt lớn về khung cảnh. Bên trong khu vườn thì yên bình, thư thái khác hẳn với vẻ ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, từ đó mang đến cho tác giả những cảm xúc khác biệt.

2.2 Câu 2 trang 14 SGK văn 10/2 Chân trời sáng tạo

* Một vài hình ảnh trong văn bản thể hiện sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại:

- Hình ảnh ngôi nhà trong cảm nhận của Thanh: "Tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng. Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ.".

- Hình ảnh cây hoàng lan: "Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “Cây hoàng lan!”, mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa."

* Ý nghĩa của sự đan xen đó là:

  • Thể hiện sự đồng hiện của hình ảnh, dòng chảy của thời gian nối liền thực tại và tương lai.

  • Thể hiện cảm xúc của nhân vật Thanh hoài niệm về quá khứ, những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ về Nga, nhớ về bà.

  • Thể hiện tình yêu thương, gắn bó của Thanh với quê hương, với bà, với Nga

2.3 Câu 3 trang 14 SGK văn 10/2 Chân trời sáng tạo

*Những kỉ niệm tuổi thơ đã trở về với Thanh khi anh về thăm bà:

  • Kỷ niệm với con mèo mà cậu hay chơi cùng

  • Kỷ niệm được bà che chở cho.

  • Cảnh trên trường kỷ, ngọn đèn con và cái điếu cũ kĩ; Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã.

  • Kỷ niệm chơi đùa dưới gốc cây hoàng lan, được bà hái hoa cho

  • Kỷ niệm với Nga, cùng chơi trong vườn, cùng nhặt hoa

*Những kỉ niệm ấy gợi lên trong Thanh nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ về người bà, về Nga. Khiến Thanh có cảm giác bình yên, thong thả, nhẹ nhõm, tươi mát. 

Qua đó, tôi cảm nhận Thanh là một người con hiếu thảo, yêu thương bà, có tình yêu quê hương sâu sắc, và Thanh cũng là cậu bé nhạy cảm, lãng mạn, sâu lắng, dễ rung động trước những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ

2.4 Câu 4 trang 14 SGK văn 10/2 Chân trời sáng tạo

- Tình cảm giữa Thanh và Nga thực sự nhẹ nhàng, trong sáng, lãng mạn mà không kém phần sâu lắng. Cả hai đều thấu hiểu và biết rõ về tình cảm của đối phương nhưng vì ngại ngùng mà không ai dám lên tiếng thổ lộ.

  • Một số chi tiết giúp ta nhận ra điều này như:

  • Thanh và Nga là bạn thanh mai trúc mã từ bé đến lớn và có rất nhiều kỷ niệm chung với nhau.

  • Chỉ cần lờ mờ nghe giọng nói giống tiếng của Nga là Thanh liền chạy ra

  • Nga thổ lộ với thanh: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”.

  • Cả hai e thẹn khi gần gũi nhau

  • Thanh cầm tay Nga và Nga cũng để yên như vậy một lúc khiến Thanh cảm nhận được sự dịu ngọt.

  • Thanh biết rõ Nga vẫn sẽ chờ đợi mình như ngày xưa.

2.5 Câu 5 trang 14 SGK văn 10/2 Chân trời sáng tạo

Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ hẳn không còn xa lạ với câu nói “đi để trở về”, và câu nói này dường như còn đúng hơn nữa nếu như bạn vừa đọc xong câu chuyện “dưới bóng hoàng lan”. Trong câu chuyện này, sau khi nhân vật Thanh đi xa và đối mặt với mọi bộn bề lo toan của cuộc sống, anh càng cảm thấy trân quý những phút giây bình yên cũng như trân quý hơn những kỷ niệm yên bình thuở còn bé với ngôn nhà xưa cũ, với bóng cây hoàng lan. “Đi để trở về” cũng thể hiện rằng nhà là nơi duy nhất và luôn luôn chào đón ta trở về sau những nỗ lực kiệt sức ngoài cuộc sống. Ở “nhà” luôn luôn có sự vị tha, có tình yêu thương vô bờ bến mà không bao giờ nguội lạnh của người thân.

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết phần Soạn bài Dưới bóng hoàng lan sách ngữ văn 10 tập 2 Kết nối tri thức/chân trời sáng tạo. Hi vọng rằng có thể giúp các em nắm được những ý chính cũng như trau dồi thêm các nội dung kiến thức mà bài học này đem lại. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm:

 

Banner afterpost lớp 10
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990