img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội - Ngữ Văn 12

Tác giả Nhã Lân 15:18 30/11/2023 2,396 Tag Lớp 12

Nghị luận văn học là một thể loại văn học thường gặp trong các đề thi học sinh giỏi, đề thi THPT Quốc gia. Bởi vậy, bài viết này - soạn bài viết làm bài văn số 2: nghị luận xã hội sẽ giúp các em ôn lại kiến thức về văn nghị luận xã hội và hướng dẫn các em làm một số đề văn chủ đề này một cách chi tiết nhất.

Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội - Ngữ Văn 12
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Ôn tập kiến thức về văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

1.1. Khái niệm

Nghị luận về hiện tượng đời sống là là dạng bài sử dụng các thao tác lập luận giúp người đọc hiểu đúng, hiểu sâu, rõ hơn và đồng tình với quan điểm của người viết trước những hiện tượng đời sống có ý nghĩa với xã hội.

Ví dụ: 

Bạo hành học đường, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông…

Tấm gương người tốt, việc tốt, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tấm gương nghèo vượt khó,..

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nạn phá rừng bừa bãi,..

1.2. Yêu cầu của văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

Hiểu đúng, hiểu sâu, nắm được đúng trọng tâm, bản chất vấn đề được đưa ra bàn luận thông qua thông tin chính xác, có sức thuyết phục.

Nêu rõ quan điểm, thái độ vấn đề nghị luận; điểm đúng - sai,  lợi ích - tác hại, nguyên nhân và phương hướng giải quyết. khắc phục.

Diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, có thể sử dụng yếu tố biểu cảm hay biện pháp tu từ nhưng không được quá lạm dụng.

Người đưa ra vấn đề phải giữ vững quan điểm lập trường của riêng mình.

1.3. Cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống

Bước 1: Tìm hiểu đề

Xác định ba yêu cầu:

Yêu cầu nội dung: Hiện tượng nghị luận là vấn đề như thế nào (hiện tượng tích cực trong đời sống, đáng khen, phát huy hơn hay hiện tượng mang tính tiêu cực, đáng bị lên án..)? Có những luận điểm nào cần triển khai trong bài viết? Mối quan hệ giữa các luận điểm như thế nào? Làm sao để làm rõ các luận điểm?

Yêu cầu về cách thức : Các thao tác nghị luận, lập luận cần sử dụng để viết bài văn nghị luận ? (giải thích, chứng minh, bình luận,…)

Yêu cầu về giới hạn dẫn chứng: trong đời sống thực tế hay ở trong các tác phẩm văn học. 

Bước 2: Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận .

Thân bài: 

Giải thích hiện tượng đời sống, làm rõ các từ ngữ, hình ảnh, khái niệm được nhắc đến trong đề bài.

Nêu ra những thực trạng, ảnh hưởng và biểu hiện của hiện tượng trong đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra và có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống, thái độ của xã hội khi đối mặt với vấn đề. 

Liên hệ thực tế qua những dẫn chứng có thực ở địa phương để tăng tính thuyết phục từ đó càng làm nổi bật lên tính cấp thiết cần giải quyết của vấn đề; để con người ý thức được những nguyên nhân chủ quan, khách quan là do con người hay do tự nhiên…

Đưa ra phương hướng, giải pháp để đối phó, giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh của vấn đề để đưa ra, đề xuất những giải pháp trước trước mắt, lâu dài. Cụ thể hóa những việc cần làm, phương thức thực hiện, yêu cầu sự phối hợp với các lực lượng.

Kết bài: 

Khái quát lại vấn đề được nghị luận

Thể hiện quan điểm, thái độ của bản thân người viết về hiện tượng đời sống được nhắc đến đó.

Từ đó, rút ra bài học hành động và nhận thức của mình.

Bước 3: Tiến hành viết bài nghị luận

Triển khai bài viết tuần tự theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây dựng (theo dàn ý)

Chú ý: Khi viết một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên cần phân phối lượng thời gian viết bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, lan man, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Dựa cơ sở dàn ý có sẵn, cần luyện cách viết và trình bày một bài văn nghị luận đảm bảo tính súc tích, mạch lạc, và mang tính thuyết phục cao. 

Bước 4: Đọc và sửa để hoàn thiện bài văn

 

2. Hướng dẫn một số đề văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

2.1. Đề 1 (Trang 78 SGK Ngữ văn 12 tập 1): Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

a. Mở bài

- Hiện nay, tai nạn giao thông đang là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

- Đưa ra vấn đề nghị luận: Tuổi trẻ học đường cần có suy nghĩ và hành động để giảm thiểu hiện tượng tai nạn giao thông.

b. Thân bài

* Nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông:

- Nguyên nhân khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn kém chất lượng; phương tiện tham gia giao thông càng ngày càng gia tăng; do thiên tai gây nên...

- Chủ quan:

+ Ý thức về tuân lệnh luật an toàn giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là thế hệ trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.

+ Chưa thực sự xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm giao thông dẫn đến sự lơ là, tái phạm nhiều lần. 

* Hậu quả: gây chấn thương, tàn phế hay thậm chí là tử vong ngay tại chỗ...

+ Theo một số số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Thế giới trung bình mỗi năm có trên 10 triệu người chết với nguyên nhân chủ yếu là tai nạn giao thông. Năm 2006, chỉ tính riêng Việt Nam có tới 12.300 người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2007, WTO đã đặt Việt Nam vào danh sách một trong các Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông ở mức cao nhất thế giới với 33 vụ tai nạn trung bình mỗi ngày.

+ Tai nạn giao thông đang là một vấn đề ảnh hưởng không nhỏ tới trong cuộc sống thường ngày của con người:

Tai nạn giao thông tác động lâu dài đến đời sống tâm lý.

Tai nạn giao thông gây rối loạn an ninh trật tự, gây đảo lộn cuộc sống người dân.

Tai nạn giao thông làm tiêu tốn nguồn nhân lực lao động, tiền bạc, thời gian.

=> Vì vậy,  việc giảm thiểu tai nạn giao thông là yêu cầu bức thiết, mang ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội.

* Nhũng hành động thiết thực của thanh niên, học sinh để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

- Trau dồi kiến thức về an toàn giao thông và áp dụng vào thực tế khi tham gia giao thông thường ngày. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, không đi xe máy khi chưa có bằng lái...

- Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông gây ra để họ ý thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông.

- Các đoàn thể thanh niên thường xuyên tổ chức các phong trào, cuộc thi tìm hiểu về Luật  an toàn giao thông. Cùng nhau hô to khẩu hiệu "An toàn là bạn, tai nạn là thù",  "Nói không với phóng nhanh vượt ẩu"...

- Báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất về các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

c. Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giảm thiểu tỷ lệ tai nạn giao thông song hành với đó là vai trò của tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông.

 

Bài văn mẫu:

Tai nạn giao thông đang dần trở thành vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Chắc hẳn mọi người không còn xa lạ với câu khẩu ngữ xuất hiện ở mọi nẻo đường “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”  là lời nhắc nhở, lời cảnh tỉnh đối với những người tham gia giao thông phải tuân thủ tốt luật an toàn giao thông để đem lại an toàn cho bản thân cũng chính là cho gia đình mình và xã hội.

Thực tế cho thấy tai nạn giao thông đang càng ngày càng phổ biến, thật dễ dàng bắt gặp trên chương trình thời sự hàng ngày hay các mặt báo liên tục cập nhật về những tin tức về các vụ tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông có thể đến với bất kỳ ai trong chúng ta mà không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác hay địa vị xã hội, tính mạng con người giờ đây bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông còn xuống cấp trầm trọng, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (bảo hiểm quá hạn, quá cũ, xe tự chế),…Tuy nhiên ý thức người tham gia giao thông lại là nguyên do hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng vượt mặt các nước trên thế giới.

Để giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông, từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được coi là giải pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng để hình thành và duy trì được văn hóa giao thông không phải là điều dễ dàng mà nó rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt hơn hết là người tham gia giao thông. Vậy  là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường bạn nghĩ tuổi trẻ học đường cần làm và thay đổi nhận thức như thế nào để giúp giảm tình trạng tai nạn giao thông đồng thời thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông?

Trước hết, vậy theo bạn hiểu thế nào là  “Văn hóa giao thông ”? Văn hóa giao thông được hiểu đơn giản là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung, là tập hợp các cách thức ứng xử, chấp hành các quy định về luật giao thông. Nói đơn giản dễ hiểu hơn, văn hóa giao thông chính là phải chấp hành đúng và tự giác tuân thủ các quy định, điều luật của Luật Giao thông. Ngoài ra, người tham gia giao thông một cách văn hóa cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là mối quan hệ giữa con người với con người, cách xử sự khi tham gia giao thông thông qua hành động, cách cư xử hay lời nói. Điều này thể hiện qua việc chủ động đưa người già, trẻ nhỏ qua đường; không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông. Tính cộng đồng khi tham gia giao thông sẽ giúp giúp ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí đánh lộn không đáng có trên đường cũng như chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác, giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường do ai cũng muốn đi nhanh muốn chen lấn. Chính mỗi cử chỉ “Văn hóa giao thông” làm nên nhân cách của mỗi con người. Nó cũng không chỉ thể hiện bộ mặt con người bạn như thế nào mà nó còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, thật đáng buồn khi nhìn vào thực trạng hiện nay của một bộ phận sinh viên, thanh niên có “văn hóa giao thông” hay không: Phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cấm, đường ngược chiều, cản trở giao thông; điều khiển phương tiện không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe,… Một số sinh viên còn đi xe đạp điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm…

Sinh viên, thanh niên là một lực lượng đông đảo đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chúng ta hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như không dàn hàng ba khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên các phương tiện xe gắn máy, dừng, nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành tín hiệu giao thông. Thế hệ trẻ cùng nhau tích cực tuyên truyền về văn hóa giao thông, hãy giương cao khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”..

 An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.Tuổi trẻ học đường là thế hệ trẻ mang trong mình trọng trách to lớn, là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong mọi lĩnh vực, đặc biệt hơn cả cần nâng cao nhận thức, suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện các giải pháp cần thiết để giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.

 

2.2. Đề 2 (Trang 78 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

a. Mở bài:

Giới thiệu khái quát về vấn đề

b.Thân bài:

Thực trạng trẻ em lang thang, không nhà cửa giai đoạn hiện nay

Ở nước phát triển hay kém phát triển, tình trạng này đều diễn ra khá phổ biến.

Ở Việt Nam: thực trạng này có dấu hiệu gia tăng: Đặc biệt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… => Câu hỏi dành cho mỗi người phải làm sao để cải thiện tình trạng này.

Nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Nguyên nhân hàng đầu liên quan đến vấn đề kinh tế, tác động không nhỏ đến đời sống của các em; không đủ tiền để đi học, không đủ cơm ăn áo mặc phải mưu sinh kiếm sống.

Một số ít là do cha mẹ ly hôn, bệnh tật không quan tâm chăm sóc các con…

Do các em có tư tưởng chống đối muốn khẳng định bản thân, không muốn sống trong sự bao bọc của gia đình…

 Thực trạng các tổ chức cá nhân, các mái ấm tình thương phát triển

Các cơ sở mái ấm tình thương được xây dựng để cưu mang các em nhỏ có mảnh đời khó khăn không may cơ nhỡ.

Dẫn chứng: mẹ Mai Anh cưu mang đùm bọc bé Thiện Nhân sau rất nhiều cuộc đại phẫu trong và ngoài nước. Sự hy sinh cao cả của ca sĩ Phi Nhung để đánh đổi lấy sự hạnh phúc của các con..

 Mở rộng và phản đề:

Đề cao tinh thần đóng góp của các tổ chức cộng đồng nhằm giảm tình trạng trẻ em không nơi nương tựa. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước sau này….

c. Kết bài: Nêu cao vai trò cùng trách nhiệm của mỗi người trong đẩy lùi tình trạng số lượng trẻ em lang thang cơ nhỡ gia tăng.

Bài viết mẫu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu nói đó nói về tinh thần tương thân thương ái từ xa xưa của ông cha ta cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dù có sống trong bất kỳ thời đại thì chúng ta cũng phải biết yêu thương và đùm bọc, che chở lẫn nhau. Để khắc phục vấn đề trẻ em lang thang cơ nhỡ có rất các cá nhân, đoàn thể, gia đình tổ chức nhận nuôi, cưu mang trẻ em về những mái ấm tình thương để dạy dỗ, chăm sóc giúp các em học tập rèn luyện, có một tương lai cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là một trong những hành động vô cùng có ý nghĩa và cần được nhân rộng và phát huy trong xã hội ngày nay.

Chắc rằng ở đâu cũng có từ những đất nước phát triển cho đến những đất nước kém phát triển, nghèo nàn cũng có sự xuất hiện của những đứa nhỏ lang thang không nơi nương tựa. Hiện tại, ở Việt Nam trẻ em cơ nhỡ phần lớn tập trung ở các thành phố sầm uất, có mức sống cao như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… với mục đích chính là để mưu sinh với đủ thứ nghề như: đánh giày, bán hàng rong thậm chí vạ vật đầu đường xó chợ. Những hình ảnh đó ít nhiều cũng cho chúng ta nhiều cảm xúc nhưng cũng xử lý vấn đề một cách triệt để.

Trong nhiều năm qua, tình trạng này không hề có dấu hiệu “giảm nhiệt” thậm chí còn tăng. Có thể nói nguyên nhân đầu tiên là do các vấn đề liên quan đến kinh tế. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của các em nhỏ, đơn cử như sự nghèo khó của gia đình khiến  các em phải dừng việc cắp sách đến trường, cơm ăn không đủ bữa, phải lo chuyện miếng cơm manh áo từ rất nhỏ. Nhiều gia đình lơ là không quan tâm con cái chỉ vì sự chia cắt gia đình. Bên cạnh đó cũng có những hoàn cảnh bố mẹ mất sớm bệnh tật, những đứa trẻ phải tự bươn trải, hay những đứa trẻ ương bướng muốn khẳng định bản thân mình rời xa vòng tay nuôi dưỡng của cha mẹ từ rất sớm..

Vậy để các em được đến trường, sống một cuộc sống êm ấm no đủ là điều khiến tất cả xã hội phải trăn trở chứ không của riêng ai. Trong những năm  gần đây, để cải thiện tình trạng này Đảng và Nhà nước hay các tổ chức xã hội đã thành lập, xây dựng nhiều hơn các trung tâm bảo trợ xã hội mái ấm tình thương để đón các em về. Đó có thể là mái ấm được Nhà nước xây dựng, cũng có thể do các cá nhân, mạnh thường quân đứng ra đóng góp hay nhà chùa…. Chỉ với hy vọng có thể đưa các em trở về cuộc sống đúng với lứa tuổi để trở thành những người có ích cho xã hội.

Hiện nay, không khó để thấy những tấm gương, những mạnh thường quân sẵn sàng giang rộng vòng tay yêu thương, nuôi dưỡng các em vô điều kiện. Điển hình phải kể đến như hình ảnh của ca sĩ Phi Nhung ngày đêm miệt mài kiếm tiền nuôi các em cơ nhỡ xây dựng cho các em có mái nhà để ở, lại vừa có tương lai học hành đầy đủ. Không thể không nhắc đến hình ảnh mẹ Mai Anh  hết mình lo cho con trai Thiện Nhân đứa trẻ thiệt thòi sinh ra đã bị mẹ bỏ rơi bị côn trùng cắn một bên chân và bộ phận sinh dục, phải trải qua bao ca phẫu thuật trong  và ngoài nước rất tốn kém…. Còn nhiều hơn thế, những tấm gương người tốt, việc tốt trên mảnh đất chữ S này khiến chúng ta cảm phục. Những hành động của họ đã góp phần to lớn khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp văn minh hơn.

Có người đã từng nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cuộc sống sẽ tốt đẹp chỉ khi con người biết cho đi. Sự cho đi đó không đem cho bạn cái lợi trước mắt nhưng nó sẽ vẽ lên cuộc sống khác tươi đẹp hơn. Hiện tượng trẻ em không nơi nương tựa, bị bỏ rơi trong những năm gần đây có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những mảnh đời cần được cưu mang. Vì vậy, chúng ta hãy giúp các em được sống đúng với lứa tuổi và nhiệm vụ của mình, để đất nước được thêm tự hào vì những con người ấy.

 

 

2.3. Đề 3 (Trang 78 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: hiện tượng nhức nhối diễn ra trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục học đường.

2. Thân bài

Giải thích

“ Tiêu cực trong thi cử”: được hiểu là các hành vi gian dối trong kiểm tra, ví dụ như: Thí sinh đem tài liệu chuẩn bị trước hay những thiết bị nghe lén, quay cóp,.. không được cho phép vào phòng thi.

“ Bệnh thành tích trong giáo dục”: Là hiện tượng chạy đua theo các danh hiệu, thành tựu của giáo viên, học sinh, các lớp, các trường và các phòng ban thuộc lĩnh vực giáo dục… tạo nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng bản chất, trình độ giảng dạy và học.

Nguyên nhân và hậu quả:

Nguyên nhân

Học sinh học kém nhưng vẫn muốn mang danh hiệu  “học sinh giỏi”

Thầy cô muốn mang danh dạy giỏi, dạy tốt.

Nhà trường, các phòng ban muốn có thành tích  khen thưởng nhưng chất lượng giáo dục đi xuống trầm trọng.

→ Căn bệnh "thành tích" xuất hiện để thỏa mãn nhu cầu đó.

Hậu quả của căn bệnh thành tích

- Đây là hiện tượng ảnh hưởng xấu, gây ra hậu quả nghiêm trọng tới ngành Giáo dục nói riêng và mỗi cá nhân nói chung.

Học sinh nỗ lực học tập học, ỷ lại, luôn suy nghĩ chỉ cần quay cóp sẽ đạt thành tích cao, không tiếp thu được tri thức, ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học

Giáo viên không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học, dậm chân tại chỗ, trở nên lạc hậu nếu không chịu tìm tòi cách dạy mới cập nhật với xu thế xã hội hiện đại.

Đất nước sẽ mất đi những nhân tài, chất lượng giảng dạy đi xuống, kém phát triển.

 Giải pháp 

-Cần nhận thức đúng đủ về việc cần thiết để đem lại lợi ích cho nền giáo dục, tạo kỷ cương trong môi trường sư phạm.

- Học sinh cần phát huy năng lực học tập, loại bỏ tính ỷ lại.

- GIáo viên cần trau dồi kỹ năng giảng dạy sư phạm của mình, cố gắng tìm tòi phương pháp để nâng chất lượng dạy học, thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh, để học sinh học một cách thực sự.

-Phê phán những hành vi gian lận trong thi cử để đạt được những thành tích ảo.

Bài học

-Từ đó, rút ra bài học cho chính bản thân. Chính bản thân mới quyết định được tương lai của mình, sống sao để không hổ thẹn với mình với những thành quả mình đạt được trong học tập.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong môi trường giáo dục, cùng với đó liên hệ thực tiễn với bản thân.

Bài viết mẫu:

Trong cuộc sống không ngừng phát triển và đổi mới như hiện nay thì xã hội rất cần đến nguồn nhân tài, người ta thường nói rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Do vậy, đất nước có lớn mạnh hay không phần nhiều phụ thuộc vào những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước. Nhưng bên cạnh đó, lại có một số bộ phận học sinh đang ở không đúng với mức học của mình. Điều này đã tạo điều kiện cho một “căn bệnh” xâm nhập vào học đường ảnh hưởng tiêu cực đến ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục, song hành cùng những ảnh hưởng tiêu cực trong thi cử.

Thành tích, kết quả được coi là thước đo đánh giá nỗ lực của con người. Sự nỗ lực để đạt thành tích, danh hiệu của một cá nhân hay một tập thể là điều đáng biểu dương và nhân rộng. Nhưng hãy thử tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều cố để đạt những thành tựu cao trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, công nghệ... chỉ vì lợi ích cho bản thân mình và cộng đồng thì chắc chắn xã hội đó sẽ tiến bộ, nền kinh tế nước đó sẽ phát triển, đời sống nhân dân nước đó trở nên cao hơn, quốc gia đó sẽ phồn thịnh. 

Thật đáng lo ngại khi thấy các cuộc thi đánh giá năng lực, kiểm tra, thi cử càng ngày càng được tổ chức dày đặc nhưng lại rập khuôn, phá bỏ sự sáng tạo vốn có của học sinh. Thành tích giáo dục giờ đây là  trở thành điều hiển nhiên đo đạc sự thành công  không chỉ trong nghề nghiệp giáo mà còn là của nhà trường và địa phương. Thật đáng buồn, “bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường cố gắng chạy đua theo các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Từ đó để chúng ta nhận thức rõ ràng rằng muốn phát triển xã hội cần phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có tài thực thụ, được tiếp thu những tri thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm khởi nguồn, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực  quyết định sự phồn thịnh của một quốc gia, một cộng đồng dân tộc. Nền tảng giáo dục tốt, chất lượng cao sẽ tạo nên những con người tài giỏi thực sự đáng quý vô cùng. 

Ngay từ khi mới phát động cuộc vận động phong trào nói không với chạy đua danh hiệu, thành tích đã thu hút sự quan tâm không ít từ nhân dân.  Vì cá nhân ai biết rõ nếu ''nạn tiêu cực trong thi cử'' diễn ra tràn lan và ''bệnh thành tích trong giáo dục''  thì sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một căn bệnh nan y vô phương cứu chữa. Điều này gây nên sự lãng phí sức lực,  tiền của, thời gian và tuổi đời của học sinh. Thêm vào đó điều này cũng sẽ gây ra hệ quả tất yếu của sự tha hóa về phẩm chất đạo đức học sinh và góp phần làm thoái thác những mối quan hệ xã hội như giữa thầy và trò. 

Bệnh thành tích là điều trước tiên phải được xóa sổ trên hành trình đổi mới giáo dục. Không phải là một việc quá khó, nhưng cũng không dễ dàng để xử lý triệt để trong ngày một ngày hai. Trước mắt, phải thay đổi từ những sai phạm của ngành sư phạm, kiên quyết xử phạt trường hợp vi phạm, để làm gương để thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, nghiêm cấm các hành vi gian dối trong thi cử đồng thời phối hợp cùng nhà trường ngăn chặn những trường hợp ấy xảy ra.

Đất nước chúng ta đang đà đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để có chỗ đứng hơn ở “sân chơi quốc tế”. Sự cường thịnh của đất nước phần nhiều tùy thuộc vào việc nền giáo dục để có thể đào tạo ra những nhân tài giúp ích cho đất nước. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để đẩy lùi những tác động xấu ảnh hưởng đến ngày giáo dục nói chung và tương lai xã hội nói riêng để đưa nước Việt Nam ta ngày càng thêm phát triển vững mạnh.

Đăng ký ngay để được các thầy cô ôn tập và xây dựng lộ trình đặt 9+ thi tốt nghiệp THPT môn Văn

Qua soạn bài viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội, VUIHOC mong muốn có thể giúp các em dễ dàng trong việc làm bài văn nghị luận xã hội hơn. Các em hãy đọc bài viết và rút ra kinh nghiệm trong cách làm bài của bản thân mình. Để học nhiều hơn cũng như tham khảo thêm nhiều kiến thức trong kho tài liệu Soạn văn 12, các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

 

>>> Bài viết tham khảo thêm:

Soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học

Soạn bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990