img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài vợ nhặt - Kim Lân

Tác giả Minh Châu 13:55 30/11/2023 80,766 Tag Lớp 12

Vợ nhặt là tác phẩm văn học rất nổi tiếng trong chương trình Ngữ Văn lớp 12. Bởi ý nghĩa nhân đạo rất cao nên tác phẩm thường xuất hiện trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc kỳ thi THPT Quốc gia. Bởi nó quan trọng như thế nên VUIHOC viết bài này nhằm tổng hợp lại các thông tin về tác giả, tác phẩm và hướng dẫn soạn bài Vợ nhặt giúp các em.

Soạn bài vợ nhặt - Kim Lân
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Vợ nhặt phần tác giả 

1.1 Cuộc đời 

- Kim Lân (sinh năm 1920, mất năm 2007), tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Tài.

- Quê ông ở huyện Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

- Ông là một nhà văn chuyên viết về truyện ngắn và đã có những tác phẩm được đăng báo trước thời kỳ cách mạng.

- Luôn gắn bó với vùng nông thôn, các tác phẩm của ông cũng chủ yếu viết về chủ đề sinh hoạt làng quê và hoàn cảnh nghèo đói của người nông dân.

- Ngoài sự nghiệp sáng tác, Kim Lân còn nổi tiếng bơi vai trò là một người diễn viên (đóng vai Lão Hạc trong tác phẩm Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong tác phẩm Chị Dậu…)

- Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học và nghệ thuật.

1.2 Phong cách sáng tác 

– Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, sở trường là viết về vùng nông thôn, người nông dân.

– Rất có tài trong việc miêu tả tâm lí nhân vật; phong cách đơn giản nhưng lại gợi cảm và vô cùng cuốn hút; ngôn ngữ hết sức sinh động, gần gũi với toàn bộ là lời ăn tiếng nói hàng ngày và cũng mang đậm màu sắc thôn quê; hiểu biết và gắn bó đặc biệt với phong tục tập quán, đời sống của vùng làng quê Bắc Bộ.

1.3 Thành tựu văn học 

- Một số tác phẩm nổi bật: Nên vợ nên chồng (trong tập truyện ngắn, năm 1955), Con chó xấu xí (trong tập truyện ngắn, năm 1962)...

>>> Ôn tập dễ dàng hơn cùng combo sổ tay kiến thức các môn thi tốt nghiệp THPT <<< 

2. Soạn bài Vợ nhặt phần tác phẩm 

2.1 Xuất xứ

- “Vợ nhặt” là tác phẩm truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí” (năm 1962).

- Tiền thân của tác phẩm truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” - được viết vào thời điểm ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công nhưng vẫn còn đang dang dở và bị thất lạc bản thảo.

- Sau khi hòa bình được lập lại (năm 1954), ông viết lại truyện ngắn này dựa vào một phần cốt truyện cũ.

2.2 Bố cục 

Bố cục của truyện ngắn bao gồm 4 phần:

  • Phần 1. Từ đầu đến “cái thúng, mặt bần thần”. Tràng dẫn theo người vợ nhặt về nhà.

  • Phần 2. Tiếp theo đến “cùng đẩy xe bò về”. Tràng nhớ đến việc mình được lấy vợ.

  • Phần 3. Tiếp theo đến “chảy xuống ròng ròng”. Cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ với nàng dâu mới.

  • Phần 4. Còn lại. Cuộc sống của nàng dâu mới (vợ nhặt) ở nhà Tràng trong buổi sáng tiếp theo.

2.3 Ý nghĩa nhan đề 

- Trước tiên, từ “vợ” là một danh từ vô cùng thiêng liêng, sử dụng để chỉ người phụ nữ được pháp luật công nhận là đang trong một mối quan hệ với “chồng”. Theo phong tục, vợ chồng sẽ được công nhận chỉ khi có sự chứng kiến của tất cả họ hàng và làng xóm. Còn “nhặt” là hành động cầm vật đã bị đánh rơi lên.

- Tác giả Kim Lân đã sáng tạo ra một nhan đề vô cùng độc đáo. Vì người ta chỉ nhắc đến “nhặt” như một món đồ nào đó, chứ không ai lại nhặt được cả một con người để về làm vợ cả. Nhưng qua đó, tác giả cũng đã thể hiện được hoàn cảnh thê thảm, đáng thương của con người thời bấy giờ.

- Nhan đề “Vợ nhặt” trước tiên bao quát được tình huống của truyện. Đồng thời đó cũng là bản án đanh thép của Kim Lân đối với chế độ thực dân đã đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh nghèo khổ, người thì “chết như ngả rạ”.

- Nhan đề “Vợ nhặt” cũng mang tính khái quát cao, hoàn cảnh của Tràng cũng chỉ là một trong những người đó. Đồng thời, qua nhan đề này, nhà văn cũng đã bộc lộ được sự đồng cảm xót xa cho số phận của những người nông dân trong nạn đói năm 1945.

2.4 Tóm tắt truyện ngắn 

Tràng - một người dân vô cùng nghèo khổ sống cùng với người mẹ già ở xóm ngụ cư. Một hôm, đang trên đường kéo xe bò vào dốc tỉnh thì Tràng tình cờ gặp gỡ được Thị. Chỉ với câu nói đùa và bốn bát bánh đúc, Thị đã đồng ý làm vợ Tràng và chịu theo về nhà. Khi về tới nhà, bà mẹ của Tràng ban đầu cũng rất ngạc nhiên, sau đó thì đón nhận người đàn bà đói khổ ấy làm con dâu của mình với một sự thương cảm vô cùng sâu sắc. Buổi sáng hôm sau, Tràng bỗng nhiên cảm thấy mình có sự thay đổi. Anh cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới chỉ vỏn vẹn vài món ăn đơn giản cùng với một nồi cháo cám mà người mẹ nói đùa rằng đó là chè khoán. Miếng cám chát, nghẹn cả cổ nhưng Tràng vẫn muốn cùng người vợ nhặt hướng tới cuộc sống đổi khác. Cuộc trò chuyện về chủ đề tiếng trống thúc thuế đã kết thúc và trong đầu óc Tràng đã hiện lên cảnh đám người đói đi phá kho thóc và lá cờ đỏ được bay phấp phới ngoài kia.

3. Hướng dẫn soạn bài vợ nhặt 

3.1 Câu 1: SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Dựa vào mạch của tác phẩm, có thể chia truyện ngắn thành mấy đoạn? Hãy nêu ý chính của từng đoạn và hãy cho biết mạch truyện được dẫn dắt ra sao?

- Dựa vào mạch tác phẩm, có thể chia truyện ngắn thành 4 đoạn:

+ Đoạn 1: từ đầu đến “…thành vợ thành chồng”.: Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

+ Đoạn 2: tiếp theo đến "đẩy xe bò về": kể về chuyện hai người đã gặp nhau và nên vợ nên chồng như thế nào.

+ Đoạn 3: tiếp đến "chảy ròng ròng": cuộc gặp gỡ của bà cụ Tứ với con dâu mới.

+ Đoạn 4: còn lại: buổi sáng ngay ngày hôm sau ở gia đình Tràng.

=> Mạch truyện được dẫn dắt vô cùng khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống Tràng lấy được vợ vào giữa những ngày nghèo đói.

3.2 Câu 2: SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Tại sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy Tràng dẫn theo một người đàn bà xa lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của những nhân vật ấy trong truyện cho thấy nhà văn đã sáng tạo ra được tình huống truyện đặc sắc ra sao? 

- Dân xóm ngụ cư có thái độ ngạc nhiên khi nhìn thấy Tràng lấy vợ vì:

+ Một con người như Tràng (vừa xấu, lại nghèo, ngờ nghệch và là dân ngụ cư) lại có thể lấy được vợ.

+ Trong thời điểm nạn đói, không biết có thể nuôi được nhau hay không mà Tràng còn "đèo bòng"

- Sự ngạc nhiên của dân làng, cụ Tứ và chính Tràng cho thấy tác giả Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống vô cùng độc đáo, kỳ lạ lại có phần éo le: tình huống nhân vật Tràng nhặt được vợ vào ngày đói.

- Tình huống truyện đã làm nổi bật lên nội dung cũng như ý nghĩa của tác phẩm:

+ Giữa giai đoạn nạn đói, thân phận của con người cũng trở nên rẻ mạt, bé nhỏ, vô cùng đáng thương.

+ Cái đói, cái chết không làm dập tắt được những khát khao về hạnh phúc gia đình cũng như lòng tốt của những người lao động sống cuộc sống nghèo khổ.

3.3 Câu 3 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Dựa vào nội dung của tác phẩm, hãy giải thích cách đặt nhan đề Vợ nhặt. Qua hiện tượng nhặt được vợ mang về của Tràng, anh (chị) hiểu những gì về hoàn cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói vào năm 1945.

* Giải thích về nhan đề:

+ Vợ là người vô cùng quan trọng giúp san sẻ mọi việc trong cuộc đời với người chồng. Để có được vợ, theo phong tục thì người ta cần phải tìm hiểu và cưới xin một cách đường hoàng, trang trọng. 

+ "Nhặt" là hành động người ra nhấc những thứ nhỏ bé hoặc đánh rơi lên.

→ "Nhặt vợ": Nhan đề truyện hé lộ tình huống của Tràng có vợ một cách rất dễ dàng như nhặt cái rơm, cái rác ngoài đường, cụ thể là nhân vật Tràng “nhặt được vợ” chỉ bằng vài câu hò mang tính chất đùa và bốn bát bánh đúc.

- Chỉ qua hiện tượng “nhặt được vợ” của nhân vật Tràng, tác giả đã làm nổi bật lên tình cảnh cũng như thân phận của những người nông dân nghèo khổ trong nạn đói vào năm 1945. Phơi bày hoàn cảnh thê thảm và số phận tủi nhục của người nông dân nghèo khó, khi mà vấn đề về cái đói, miếng cơm manh áo cũng trở thành vấn đề sinh tử.

3.4 Câu 4 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Nêu lên niềm khao khát về tổ ấm gia đình của Tràng.

* Kim Lân đã có những phát hiện vô cùng tinh tế và sâu sắc về niềm khao khát hạnh phúc gia đình của nhân vật Tràng:

- Lúc quyết định lấy vợ: Thoạt đầu thì Tràng cũng có chút phân vân và do dự. Nhưng rồi sau đó thì anh chàng cũng tặc lưỡi "Chậc, kệ".

- Khi dẫn người vợ mới về qua xóm ngụ cư: Phút này, Tràng như đã trở thành một con người hoàn toàn khác, vui vẻ lạ thường, môi cười tủm tỉm, đôi mắt sáng hẳn lên, mặt vênh vênh ra vẻ tự đắc, nhưng cũng có lúc lại "lúng ta lúng túng" khi đi bên vợ. Nhưng chủ yếu vẫn có cảm giác mới lạ khác thường mơn man như một bàn tay đang vuốt nhẹ.

- Buổi sáng đầu tiên khi lấy được vợ: Tràng cảm thấy vô cùng êm ả, thoải mái như người vừa từ giấc mơ đi ra, xung quanh có cái thay đổi gì đó rất mới mẻ khác lạ. Từ cảm giác sung sướng và hạnh phúc, Tràng ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình thông qua hình ảnh "bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng".

→ Tràng từ một con người ngờ nghệch, vụng về đã trở nên trưởng thành hơn biết bao nhiêu, nhận ra rằng mình phải chịu trách nhiệm với những yêu thương và ước mong gắn bó, vun đắp hạnh phúc gia đình.

>>> Đăng ký học thử khóa học PAS THPT để cảm nhận khóa học cá nhân hóa duy nhất tại Việt Nam bạn nhé <<<

 

3.5 Câu 5 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Hãy phân tích tâm trạng buồn vui xen kẽ của bà cụ Tứ

* Phân tích tâm trạng buồn vui xen kẽ của bà cụ Tứ:

+ Thái độ ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà lạ mặt trong nhà, lại còn gọi bà là “u”. Khi hiểu ra đó chính là vợ của Tràng, bà bắt đầu “cúi đầu nín lặng”, “vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”.

+ Tủi hờn cho chính thân mình, tủi hờn cho cả đứa con tội nghiệp lấy vợ vào giữa nạn đói kinh hoàng. Bà cũng lo lắng “chúng nó có nuôi nổi nhau…này không”.

+ Thấu hiểu và thương xót cho số phận éo le của con dâu mới, trân trọng niềm hạnh phúc của con trai, ước ao các con có thể vượt qua được nạn đói.

+ Tươi tỉnh, vui vẻ và phấn chấn, lạc quan vào buổi sáng ngày hôm sau: xăm xăm dọn dẹp nhà cửa cùng với con dâu, nói toàn những chuyện vui chuyện làm ăn. Chuẩn bị nồi “chè khoán” nhưng lại đầy vị đắng chát của “chè” và tiếng trống thúc thuế khiến cho bà cụ phải tủi hổ, lo âu đến rơi cả nước mắt.

→ Cụ Tứ tượng trưng cho bà mẹ nông dân nghèo khổ nhưng lại chứa đầy tình yêu thương con, giàu lòng nhân ái, tinh thần lạc quan tin tưởng và như là chỗ dựa tinh thần cho các con. Bà cụ Tứ là hình ảnh đại diện cho những bà mẹ Việt Nam nghèo trong hoàn cảnh xã hội cũ.

* Tấm lòng của bà cụ Tứ: Bà tượng trưng cho những người mẹ nghèo khổ đã từng trải và am hiểu: hết lòng yêu thương con cái, yêu thương những hoàn cảnh tội nghiệp, oái oăm. Bà khao khát về một cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

3.6 Câu 6 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Nghệ thuật được sử dụng để viết truyện ngắn của Kim Lân. 

* Đặc điểm nghệ thuật được sử dụng trong truyện ngắn của tác giả Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt:

- Cách tạo ra tình huống truyện vô cùng độc đáo, tự nhiên, kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố hiện thực với nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí của các nhân vật vô cùng tinh tế, sâu sắc.

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm đã làm nổi bật lên tâm lý của mỗi nhân vật.

- Cách kể chuyện hết sức tự nhiên, giọng điệu vô cùng chậm rãi. Cách kể nhiều lúc hóm hỉnh, sắc sảo nhưng vẫn rất đôn hậu.

- Kết cấu truyện vô cùng đặc sắc với kết thúc mở.

4. Soạn bài Vợ nhặt phần luyện tập

4.1 Câu 1 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Tuỳ theo cảm nhận riêng của mỗi người có những ấn tượng rất khác nhau. Dưới đây là gợi về cách phân tích hình ảnh nồi cháo cám.

* Hình ảnh nồi cháo cám trong tác phẩm "Vợ nhặt"

- Vị trí của hình ảnh đó ở trong truyện ngắn: nằm trong phần cuối cùng của truyện ngắn, đó là món ăn duy nhất mà cả nhà có được trong buổi sáng ngày tiếp theo.

- Ý nghĩa:

+ Hình ảnh trên thể hiện được tình trạng cùng cực của những người dân lao động nghèo khổ trong nạn đói năm 1945

+ Qua hình ảnh nồi cháo cám, tính cách của nhân vật cũng được bộc lộ: 

  • Bà cụ Tứ: người mẹ vô cùng đảm đang và yêu thương con hết lòng.
  • Tràng: là một người chồng có trách nhiệm cao với nỗi hổ thẹn không thể cho người vợ mới cưới của mình một bữa cơm đủ đầy, một bữa tiệc cưới sang trọng; vừa cho thấy Tràng là người con vô cùng khéo léo trong cách cư xử với người mẹ già, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.
  • Vợ Tràng: qua chi tiết này ta càng có thể khẳng định được sự chuyển đổi về tính cách của vợ mới Tràng, hết sức ngạc nhiên trước hình ảnh nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn rất điềm nhiên và vào miệng để làm mẹ chồng cảm thấy vui lòng. Điều đó cũng cho thấy rằng vợ của Tràng đã thực sự sẵn sàng cùng với gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn phía trước.

=> Hình ảnh nồi cháo cám trong buổi sáng đầu tiên đón cô dâu mới về nhà chồng thật sự là nồi cháo của tình thân, của tình người, của niềm tin và sự hy vọng. Chi tiết này thể hiện được tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc chọn ra chi tiết trong truyện ngắn.

4.2 Câu 2 SGK Ngữ Văn 12/2 trang 33 

Hãy phân tích ý nghĩa thể hiện ở đoạn kết của tác phẩm “Vợ nhặt” 

*Ý nghĩa của đoạn kết truyện ngắn “Vợ nhặt”:

– Ý nghĩa về nội dung:

+ Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” bùng lên trong suy nghĩ của Tràng vừa gợi tả cảnh ngộ đói khát thê lương lại vừa gợi ra những tín hiệu về cuộc cách mạng, cả hai đều là những hình ảnh hết sức chân thực trong bức tranh đời sống thời điểm bấy giờ.

+ Kết thúc truyện góp phần thể hiện được tư tưởng nhân đạo của tác giả Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống thể hiện ngay bên bờ vực cái chết của những người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào một tương lai tươi sáng.

– Ý nghĩa về nghệ thuật:

+ Hình ảnh sử dụng để kết thúc cho truyện là triển vọng sáng sủa nhất của hiện thực tăm tối bấy giờ, đó là tương lai đang dần nảy sinh sáng lạn từ hiện tại, vì thế nó góp phần quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của toàn bộ câu chuyện.

+ Đây là một kiểu kết thúc mở giúp bộc lộ xu hướng vận động tích cực trong cuộc sống được mô tả ở toàn bộ câu chuyện; dành một vài khoảng trống cho người đọc có thể suy tưởng và phán đoán.
 

Soạn bài Vợ nhặt - Soạn văn 11 Kết nối tri thức 

5 .Soạn bài Vợ nhặt ( Kết nối tri thức) 

5.1 Câu 1 trang 12 SGK Văn 11/1 Kết nối tri thức 

Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Đây là nạn đói lớn gần như kinh khủng nhất trong lịch sử Việt Nam. Nạn đói này xảy ra vào năm Ất Dậu từ tháng 10 năm 1944 kéo dài bảy tháng đến tháng 5 năm 1945. Chỉ trong chưa đầy một năm ngắn ngủi đã khiến cho khoảng hai triệu dân ta chết đói.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân trực tiếp là do hậu quả để lại của chiến tranh tại đất nước ta. Khi đó Việt Nam bị các nước thực dân như Pháp, Nhật đô hộ. Vì mục đích kinh tế nên quân ngoại xâm tìm mọi biện pháp áp bức, bóc lột nền nông nghiệp lạc hậu của chúng ta. Khiến cho nền kinh tế vốn đã nghèo nàn, đói kém càng trở nên cùng cực khó khăn hơn. Dân ta phải gồng mình lên để cung cấp cho sự đòi hỏi không giới hạn của quân thù khi phát xít Nhật thì vơ vét lúa gạo về nước còn thực dân Pháp thì tích thành kho dự trữ cho cuộc chiến với quân đồng minh. Chính sự áp bức bóc lột này khiến cho nền nông nghiệp vốn không đủ ăn càng trở nên thiếu thốn không đủ cho nhân dân sống.

Nguyên nhân gián tiếp vẫn là do những chính sách kinh tế của quân xâm lược tại Việt Nam. Khi đó quân Nhật vì muốn giải quyết vấn nạn thiếu vải nên đã đưa ra chính sách bắt nhân dân ta bỏ trồng lúa chuyển sang trồng đay, còn lúa gạo phải bán cho quân Nhật mang về nước với giá rẻ. Chế độ Nhật Bản còn không cho nước ta hỗ trợ nhau khi cấm vận chuyển lúa gọi từ miền Nam ra cứu miền Bắc. Cùng lúc đó máy bay của quân thù đã phá hủy hết tuyến đường sắt từ Huế tới miền Nam để phong tỏa không cho công tác cứu viện. Còn kho gạo thì chỉ ưu tiên sử dụng cho quân lính Nhật.

Một lý do lớn nữa là do miền Bắc có thời tiết khá khắc nghiệt khi thiên tai lũ lụt liên tục kèm theo sâu bệnh khiến cho mất mùa nghiêm trọng. Thêm vào đó dịch bệnh tả xuất hiện và lây nhiễm rất nhanh làm giảm năng suất lao động, nạn đói càng trầm trọng hơn. 

5.2 Câu 2 trang 12 SGK 11/1 Kết nối tri thức 

Theo bạn, có phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống (như nạn đói, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,…) cũng chỉ đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng hay không? Vì sao?

  • Tùy từng trường hợp nhưng không phải lúc nào những nghịch cảnh khó khăn trong cuộc sống như nạn đói, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh,...cũng có thể đẩy con người ta vào trạng thái tình cảm tuyệt vọng, bi quan. 

  • Bởi chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó mới là cơ hội cho con người ta bùng phát ý chí chiến đấu, vượt qua nghịch cảnh để có thể mạnh mẽ hơn sống tốt hơn. Qua đó khiến hướng đến những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong cuộc sống.

6. Soạn bài Vợ nhặt: Trong khi đọc văn bản 

6.1 Khung cảnh ngày đói được gợi ra qua những hình ảnh và cảm giác nào? 

- Cảm giác:

  • Không khí đầy chết chóc tang thương cùng với mùi hôi thối của rác rưởi và mùi của xác người chất đống dần phân hủy.

  • Cuộc sống thôn quê vần bình yên ngày ngày giờ đây chỉ còn tiếng thở than lo lắng cùng với cái đói cái nghèo bủa vây

  • Từ người vô tư có phần ngờ nghệch như Tràng hay là lũ trẻ con luôn vui đùa giờ đây cũng mệt mỏi, không còn nụ cười trên môi.

- Hình ảnh: 

  • Không khó để nhìn thấy nhưng gia đình từ những tỉnh khác như Nam Định, Thái Bình lũ lượt bồng bế nhau đi lánh nạn kiếm ăn. Họ như những cái xác không hồn, héo hon xanh xao, vật vờ ở khắp các khu chợ.

  • Trong không gian đó xác người chết nhiều như ngả rạ. Sáng nào cũng vậy cứ mở mắt ra là lập tức thấy ba bốn cái xác mới chết đêm qua nằm trên đường.

  • Đường phố xám xịt tối om không có một chút sinh khí nào dù người người vẫn đi vật vờ quanh mọi ngóc ngách, mọi nẻo đường. 

6.2 Tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” được bộc lộ qua nhưng biểu hiện bên ngoài (ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ,…) nào?

- Tâm trạng của nhân vật Tràng

  • Nhân vật Tràng khá khác với những người xung quanh mà vui hơn. Có vẻ khác thường khi anh tự nhiên tủm tỉm cười, ánh mắt sáng lên, hớn hở hơn mọi ngày. 

  • Khi thấy bọn trẻ nhỏ kéo nhau ra xem vợ mình, Tràng tế nhị nghiêm mặt lại với thái độ không bằng lòng khi chúng tò mò.

- Tâm trạng của nhân vật Thị

  • Bẽn lẽn rụt rè, ngại ngùng khi đi đường cũng cúi gằm mặt xuống. Tay Thị cắp theo cái thùng con con và dùng cái thúng rách che đi nửa khuôn mặt của mình.

  • Thị cảm thấy khá khó chịu khi bị mọi người soi mói trêu chọc. Cô nhíu hàng lông mày, tay vô thức xóc tà áo đang mặc.

6.3 Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận gì khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà?

  • Sự tò mò lan rộng khắp xóm làng khi mọi người thấy Tràng dẫn theo một người phụ nữ lạ mặt về nhà.

  • Mọi người xôn xao bàn tán đoán xem Thị là ai. Khi hiểu ra, đoán được người phụ nữ đó khả năng cao là vợ Tràng thì họ lại lo lắng hơn bởi khi ấy thêm một miệng ăn là thêm một phần đói. Liệu tình cảm gia đình có thể trở thành sức mạnh để no được cái bụng không.

  • Cũng có người cười Tràng ngờ nghệch, trong lúc đói nghèo này lại vác thêm một gánh nặng vào mình, cười anh cưới vợ không chọn thời điểm phù hợp.

6.4 Những chi tiết nào thể hiện sự thay đổi trong tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” khi về đến nhà?

  • Tràng nhanh chân xăm xăm vào trong nhà. Anh thu dọn nhanh bát đũa chất đống cùng với đống quần áo vứt cả trên giường lẫn dưới đất.

  • Anh vẫn không tin được mình đã là người có vợ, đon đỏ mời cô ngồi trên giường rồi lại loanh quanh chạy quanh sân quanh ngõ ngóng mẹ về.

  • Thị thì bẽn lẽn, ngượng ngùng ngồi vào mép giường. Ta dường như không thể nhận ra người đàn bà chanh chua hôm trước nữa.

6.5 Chú ý ngôn ngữ và cách ứng xử của người phụ nữ trước khi theo Tràng về nhà.

Cách cư xử và thái độ của Thị thay đổi theo từng lần xuất hiện: 

  • Lần đầu khi gặp lời hò trêu đùa của Tràng, Thị ta cong cớn đáp lại “Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?” Sau đó cô vùng dậy, cười tít mặt chạy theo đẩy xe cùng với Tràng  “Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ”

  • Đến lần thứ hai ngay khi gặp lại cô đã mặt nặng mày nhẹ, sưng sỉa mắng Tràng “Điêu người thế mà điêu!”, “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt”. Nhưng ngay khi được mời ăn thật thì cô lập tức đon đả “Ăn thật nhá, sợ gì”

  • Sau đó cô sà xuống ăn ngay lập tức, Thị cắm đầu ăn liên tục bốn bát bánh đúc. Ăn xong cô không ngại ngùng mà lấy đũa quẹt luôn ngang miệng rồi cảm thán “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Cái đói cái nghèo đã làm Thị mất đi sự dịu dàng của phái nữ, chỉ còn sự ghê gớm chan chát với đời.

6.6 Việc Tràng chấp nhận hành động “theo về” của một người phụ nữ xa lạ thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?

  • Đó là sự khát khao, mưu cầu hạnh phúc dù có đói có nghèo. 

  • Đó cũng là tình thương đối với người cùng cảnh ngộ với mình

  • Đó là sự nghiêm túc trong khi đưa ra mọi quyết định cuộc đời

  • Tràng là người tốt bụng, hiền lành, luôn lạc quan trong mọi nghịch cảnh để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

>>> Ôn tập dễ dàng hơn cùng combo sổ tay kiến thức các môn thi tốt nghiệp THPT <<< 

 

6.7 Chú ý hình thức lời văn được tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng bà cụ Tứ trong tình huống này. 

Tác giả đã sử dụng hàng loạt các câu hỏi độc thoại nội tâm để miêu tả tâm trạng của bà cụ Tứ “- Quái, sao có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ? Người đàn bà nào đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”

6.8 Tình cảm bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới được thể hiện qua giọng điệu và những từ ngữ nào?

Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho con dâu được thể hiện qua rõ nhất cách nói chuyện: 

  • Ngay khi thấy con dâu bà đã đon đả “Con ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”

  • Bà tự cảm thán với bản thân, bà hiểu năng lực của con mình nên mới hiện lên suy nghĩ “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”.

  • Bà nói với nàng dâu mới hiện thực “Nhà ta nghèo con ạ” bà thấy thường vì không lo được cho con mình “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”

6.9 Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?

Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật Tràng.

6.10  Chú ý những chi tiết miêu tả sự thay đổi của nhân vật bà cụ Tứ và người “vợ nhặt” trong buổi sáng của ngày đầu tiên sau khi Tràng nhặt được vợ.

Nhân vật bà cụ Tứ trong buổi sáng hôm sau: 

  • Dậy sớm thu dọn nhà cửa, quét sạch sân nhà

  • Vui vẻ khác thường, khuôn mặt nhăn nheo u ám hàng ngày nay bộc sáng rực lên niềm hạnh phúc

Nhân vật Thị ngày hôm sau: 

  • Thị dường như thay đổi ngay sau một đêm ở nhà chồng. Không thể tưởng tượng đường người đàn bà chao chát chanh chua hôm trước giờ đây lại về với hình ảnh người đàn bà đảm đang hiền thục - tiêu chuẩn của phụ nữ Việt Nam ta.

6.11 Chú ý vai trò của chi tiết nồi chè khoán.

  • Hình ảnh nồi chè khoái mà ta không thể tìm thấy ngày nay chính là món ăn chính cứu đói bao người, bữa ăn mơ ước của dân ta trong nạn đói. Đây chính là vật chứng tố cáo tội ác mà thực dân đã gây ra cho đất nước ta.

  • Nhưng cũng chính nồi cháo nghèo khổ đó lại thể hiện được những giá trị tốt đẹp của nhân dân ta. Nhà văn Kim Lân đã khéo léo nói với người đọc rằng con người ta dù ở hoàn cảnh khó khăn nào, dù giữa sống chết vẫn luôn tương thân tương ái nhường nhịn sẻ chia với nhau.

  • Nồi chè khoán này tuy chỉ là một chi tiết một hình ảnh nhỏ xuất hiện thoáng qua thôi nhưng nó lại là chi tiết then chốt dùng để đẩy mạch truyện cũng như khắc họa được tính các các nhân vật.

6.12 Tại sao bà cụ Tứ ngoảnh vội ra ngoài, “không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc”?

Bà cụ không dám để con dâu thấy mình khóc vì bà sợ cảnh tương lai u ám đói nghèo bủa vây, bà nhìn thấy cảnh hàng ngày có tiếng Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ…”.

6.13 Tràng có tâm trạng như thế nào khi nghe câu chuyện mà người “vợ nhặt” kể?

Sau khi nghe câu chuyện của Thị kể, Tràng bỗng thần ra nghĩ ngợi. Anh nghĩ đến hình ảnh những người đang nổi dậy phá kho thóc Nhật và cũng là dự cảm tương lai tươi đẹp hơn, dự cảm sẽ đổi đời.

6.14 Hình ảnh “lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí của Tràng có ý nghĩa gì?

Trong tâm trí của Tràng, hình ảnh “lá cờ đỏ” hiện lên như một biểu tượng thể hiện sức mạnh dân tộc, mở ra một tương lai tươi đẹp hơn và mang theo nhiều hy vọng hơn.

7. Soạn bài Vợ nhặt: Trả lời câu hỏi sau khi đọc

 

7.1 Câu 1 trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức 

Ngay từ nhan đề tác phẩm, nhà văn Kim Lân đã thể hiện được nội dung của truyện ngắn: 

  • Động từ “Nhặt” chuyên sử dụng với những thứ đồ không có giá trị, rẻ rúng, không ai cần không ai muốn. Còn “Vợ” lại là người quan trọng trong gia đình, là người giữ lửa hôn nhân, là phần hồn của mỗi ngôi nhà.

  • Hai từ có giá trị trái ngược nhau nhưng lại được đặt cạnh nhau. Đây chính là minh chứng rõ nhất cho giá trị con người thời đó, rẻ rúng như ngọn cỏ ven đường vô chủ ai muốn lấy thì lấy, ai muốn nhặt thì nhặt.

  • Theo lẽ thường ngày dựng vợ gả chồng là việc trọng đại, phải mất thời gian tìm hiểu, tốn tiền bạc để tổ chức đám cưới thì Tràng lại ra đường nói vài câu vu vơ đã có được một cô vợ. Đó là sự khốn khổ của con người khi hạnh phúc đời mình cũng không bằng một bữa ăn no.

Chỉ qua nhan đề với hai chữ đã có thể lột tả được hết hoàn cảnh của tác phẩm. Đó là nạn đói năm 1945 khiến cho giá trị con người sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng đó cũng là nền cho lẽ sống của con người, là niềm tin về cuộc sống tốt đẹp, là sự đồng hành hỗ trợ “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta.

7.2 Câu 2  trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Xác định tình huống truyện và nêu ý nghĩa của nó.

- Tình huống truyện được thể hiện ngày từ nhân đề “Vợ nhặt”. Đó là câu chuyện của một chàng nông dân nghèo khó, ngoại hình xấu xí, tính cách hơi có chút không bình thường tự nhiên nhặt được một cô vợ giữa chợ. Là hình ảnh của cái đói cái nghèo của nạn đói năm Ất Dậu 1945 khi toàn dân đang trong bờ vực của chết đói thì Tràng lại nhặt được vợ.

- Ý nghĩa của tình huống truyện:

  • Tình huống truyện này không chỉ tạo ra sự ngạc nhiên cho người đọc vì không ai nghĩ được rằng “Vợ” có thể có được nhờ “Nhặt. Đó cũng là sự bất ngờ của chính bản thân Tràng, của bà cụ Tứ, của cả bà con hàng xóm vì không ai trong thời điểm nghèo đói này lại đi mang về thêm một miệng ăn.

  • Tính huống truyện này cũng thể hiện thái độ của tác giả Kim Lân với nhân dân Việt Nam và xã hội thời bấy giờ.

  • Nhà văn đã mạnh mẽ lên án thực dân Pháp, phát xít Nhật cùng với bọn tay sai bán nước đã khiến cho đất nước ta lâm vào cảnh lầm than.

  • Đó cũng là lời xót thương cho số phận của nhân dân ta, là nỗi đau khi thấy con người không đủ ăn, phải chạy từng bữa ăn hàng ngày với số kiếp rẻ rúng bị coi thường.

  • Nhưng dù cho ở hoàn cảnh đấy, nhà văn Kim Lân vẫn luôn có cách để tôn lên được vẻ đẹp trong tâm hồn của con người. Dù có ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt khó khăn nào người dân Việt Nam ta vẫn luôn cố gắng yêu thương nhau, đùm bọc hỗ trợ nhau vượt qua nghịch cảnh.

7.3 Câu 3  trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Câu chuyện trong Vợ nhặt được kể theo trình tự nào và có thể chia làm mấy phần?

Câu chuyện Vợ nhặt được kể theo trình tự thời gian trước và sau khi Tràng nhặt được vợ. Đoạn văn có thể chia thành bố cục bốn phần như sau:

Bố cục:

  • Phần 1 - Từ đầu đến tự đắc với mình: Kể về tình huống Tràng lần đầu được gặp Thị.

  • Phần 2 - Tiếp theo đến đẩy xe bò: Tràng với Thị nên duyên vợ chồng.

  • Phần 3 - Tiếp theo đến nước mắt chảy ròng ròng: Thị gặp bà cụ Tứ, người mẹ chồng thể hiện tình yêu thương với con.

  • Phần bốn - Còn lại: Niềm tin vào tương lai của những con người nghèo khổ.

7.4 Câu 4 trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Theo trình tự của câu chuyện, các nhân vật đã có những thay đổi như thế nào từ diện mạo, tâm trạng đến cách ứng xử?

- Nhân vật Tràng

  • Trước khi gặp Thị: Cuộc sống túng quẫn nghèo khổ với người mẹ già. Tràng là chàng trai không có mặt nào tốt vì ngoại hình thì xấu xí thô kệch, tính cách thì không được lòng người chỉ hợp chơi với trẻ con. Tất cả bà con hàng xóm kể cả người mẹ cũng không tin được Tràng có thể lấy vợ.

  • Sau khi có vợ: Tràng như biến thành một người khác. Tuy ngoại hình không thay đổi nhưng trong ánh mắt của anh dường như sáng hơn, lấp lánh niềm vui và niềm tin vào tương lai ấm áp tốt đẹp hơn. Tràng bỗng trưởng thành trong một giây, trở thành người đàn ông mạnh mẽ chống đỡ cho gia đình, có trách nhiệm với lời nói và quyết định của mình.

- Nhân vật người đàn bà “Thị”

  • Trước khi theo Tràng về nhà: Thị được mô tả như là một người phụ nữ đói khát thê thảm với thân hình gầy gò không công ăn việc làm, không có thu nhập. Chính vì cuộc đời vùi dập làm cho Thị mất hết những nét nữ tính trong người khi cô ăn nói bỗ bã chao chát, không giữ chút phẩm giá thể diện nào cho mình. Khi không thấy được mời ăn thì cô sừng sổ quát vào mặt Tràng và sau khi được ăn thì lập từ ăn vội ăn vàng “một chập bốn bát bánh đúc”. Vì miếng ăn, vì tìm một hy vọng được sống khiến cho cô bất chấp đi theo một người đàn ông xa lạ về nhà, chấp nhận về nhà người ta chỉ vì được no.

  • Sau khi nhận lời làm vợ Tràng: Thị dường như biến thành một cong người hoàn toàn khác khi cô rón rén, ngại ngùng đi đằng sau Tràng không nổi một lời trước ánh nhìn đầy câu hỏi của những người hàng xóm xung quanh. Khi vào đến nhà cô còn ngượng ngùng hơn, khép nép chỉ dám ngồi vào mép giường trước lời mời nhiệt tình của Tràng. Cô tự ý thức được thân phận và nhiệm vụ của mình khi nhanh nhẹn dậy sớm quét dọn nhà cửa sân vườn, tìm các để ngôi nhà mình ngày càng tốt hơn.

- Nhân vật người mẹ, bà cụ Tứ:

  • Trước khi có con dâu: già nua từ thể xác lẫn tâm hồn với khuôn mặt nhăn nheo u ám, dáng đi lọm khọm, vừa đi vừa nói một mình tính toán những chuyện trong nhà. Trong tâm trí khi đó của bà chỉ có màu đen u tối như chính tương lai bà nhìn thấy. Bà nhớ đến ông lão nhà mình, nhớ đến đứa con gái út của bà cũng như điểm lại cuộc đời đầy sự bất hạnh cực khổ chưa một ngày sung sướng của mình.

  • Khi thấy người phụ nữ trong nhà: Bà ngạc nhiên không tin vào mắt mình khi trong nhà xuất hiện một mình bóng người phụ nữ xa lạ. Sự kinh ngạc còn nhân lên gấp bội khi người đàn bà đó chào bà với danh xưng “u”. Đó là chuỗi cảm xúc lẫn lộn khi vừa kinh ngạc, vừa xót xa đau khổ nhưng lại xen thêm niềm vui, hạnh phúc.

  • Sau khi biết Tràng có vợ: Ngay lập tức bà như trẻ lại, khuôn mặt tươi hẳn lên, có sức sống hơn. Bà chào đón cô dâu mới nồng nhiệt, cùng con dâu mình dọn dẹp thu gọn nhà cửa, hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn. Bà có niềm tin vào tương lai, dặn dò con mình cố gắng vượt qua khó khăn để có thể đổi đời.

7.5 Câu 5 trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Phân tích những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi các nhân vật (thể hiện ở các khía cạnh: điểm nhìn, lời kể và giọng điệu).

  • Điểm nhìn: Nhà văn Kim Lân đã bắt đầu tác phẩm bằng điểm nhìn từ người ngoài để người đọc có thể khái quát được hoàn cảnh câu chuyện, ngoại hình và tính cách của các nhân vật chính. Sau đó nhà văn đổi góc nhìn sang từng nhân vật để có thể diễn tả được chính xác từng suy nghĩ, góc nhìn, biến đổi trong tâm tư tình cảm của từng nhân vật.

  • Lời kể: Nhà văn đã sử dụng rất linh hoạt lời kể và ngôi kể của từng nhân vật. Là lời của người kể chuyện nhưng lại có thể biểu đạt rõ được lời nhân vật như lời tự nhủ của bản thân “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?... Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ”, lời nhại lại của Thị “có khối cơm trắng mấy giò đấy”, lời độc thoại của nhân vật “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?... Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ”,...

  • Giọng điệu: Ngòi bút của nhà văn Kim Lân rất mộc mạc giản dị, mang đậm chất văn hóa của thôn quê Việt Nam. Cách sử dụng câu từ của ông gần như giống với văn nói, khẩu ngữ tuy mang cảm giác không quá trau chuốt nhưng thực tế từng câu từng từ đều được tác giả chọn lọc kỹ càng. Từng từ từng chữ đều có tác dụng tả thực, mang lại sức gợi rất lớn như những tính từ láy “ngật ngưỡng”, “khẳng khiu”, “nhấp nhỉnh”,“phớn phở”,“úp súp”, “dật dờ”,...Từ láy liên tục không tạo cảm giác nặng nề choáng ngợp mà lại tạo ra một lối viết riêng, sức hút riêng. 

>>> Đăng ký học thử khóa học PAS THPT để cảm nhận khóa học cá nhân hóa duy nhất tại Việt Nam bạn nhé <<<

 

 

7.6 Câu 6 trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Hãy nêu chủ đề và đánh giá giá trị tư tưởng của tác phẩm.

  • Chủ đề chính của tác phẩm: Nói lên thực trạng cuộc sống của nhân dân ta trong nạn đói Ất Dậu 1945. Từ đó gián tiếp lên án tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra cho đất nước ta. Nhưng cũng là dẫn chứng thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân Việt Nam dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

- Đánh giá giá trị tư tưởng của tác phẩm:

  • Thương cho cuộc sống của nhân dân ta trong nạn đói, số phận của người dân Việt Nam khi sống dưới chế độ một cổ hai ba tròng.

  • Dù trong hoàn cảnh đó con người ta vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng giây từng phút đấu tranh giành lấy sự sống. Bộc lộ được những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta khi bị đẩy vào hoàn cả khó khăn đói nghèo vẫn luôn sẵn sàng giang tay cứu lấy những người khó khăn hơn.

  • Luôn tin vào một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn dù thực tế vẫn luôn nghiệt ngã.

  • Lên án tội ác của giặc ngoại xâm đã sử dụng những chính sách dã man để giết hại nhân dân mình, đẩy họ vào con đường cùng.

  • Ngợi ca những tình cảm thiêng liêng của con người. Đó là tình mẫu tử từ bà cụ Tứ với Tràng, với Thị; là tình nghĩa giữa người với người khi Tràng giơ tay ra mời Thị ăn bánh đúc, là tình nghĩa vợ chồng của Tràng với Thị khi chính thức danh phận,...

7.7 Câu 7 trang 22 SGK 11/1 Kết nối tri thức

Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Nêu và phân tích quan điểm của bạn về điều này. Sau khi đọc tác phẩm, có thể coi truyện ngắn “Vợ nhặt” là câu chuyện cổ tích trong nạn đói bởi vì:

  • Câu chuyện mang cốt truyện giống như một câu chuyện cổ tích trong thời khó khăn, và đám cưới của cặp đôi Tràng Thị cũng như một câu chuyện cổ tích không có thật.

  • Trong hoàn cảnh không có đồ để ăn, đói kém tràn lan khắp miền Bắc. Dù bản thân mình còn lo chưa được nhưng con người ra vẫn sẵn sàng cứu giúp đồng bào mình những việc mình có thể làm.

  • Tràng và bà cụ Tứ đại diện cho lòng yêu người của nhân dân ta khi trong đói nghèo vẫn sẵn sàng nhận thêm một thành viên mới trong gia đình.

  • Đó chính là niềm tin, hy vọng, mưu cầu hạnh phúc chính đáng của con người đã vượt lên tất cả cơm áo gạo tiền của thực tế cuộc sống của cả Tràng và Thị.

  • Trong câu chuyện cổ tích thường ngày này luôn có ánh sáng nơi cuối câu chuyện, mở ra hy vọng đổi đời, về ánh sáng của tương lai. Đó là hình ảnh dân ta phá kho thóc Nhật, là đoàn người tập hợp để cùng nhau đi trên đê và hình ảnh quốc kỳ cờ đỏ sao vàng bay phấp phới theo gió.

8. Soạn bài Vợ nhặt (Kết nối tri thức): Kết nối đọc -viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt.

Mẫu 1

Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân là câu chuyện ở một làng quê nghèo, trong nạn đói. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn về cuộc sống xã hội, về tình yêu thương, về sự quan tâm chăm sóc nhau cũng những người trong gia đình. Giá trị tuy vô hình nhưng lại hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống như cảm giác đau lòng, xót xa muốn đem hết sức mình để giúp đỡ mọi người khi thấy xác người xuất hiện ngày càng nhiều, thấy những cụ già khom lưng chống gậy đi cầu lạy xin ăn, khi thấy những đứa trẻ độ tuổi đáng nhẽ chưa cần lo lắng gì nay không nhà cửa, không cha mẹ, không gia đình,...Đó còn là sự xót thương cho những người chưa từng biết mặt khi họ ở trong cảnh của cải mất hết, gia đình ly tán. Và trong hoàn cảnh đó dù ai cũng khó, ai cũng nghèo thì con người Việt Nam ta vẫn luôn giang tay ra hỗ trợ chủ là vật chất hay là tinh thần, dù trực tiếp công khai hay âm thầm gián tiếp. Cuộc sống này chỉ cần còn tình yêu thương sẽ có hy vọng sống tiếp hạnh phúc hơn.

Mẫu 2

“Vợ nhặt” của Kim Lân là một bức tranh toàn cảnh về miền Bắc đất nước Việt Nam ta những năm 1945. Đó là năm xảy ra nạn đói kinh hoàng khiến gần hai triệu người chết đói, là một thảm cảnh của dân tộc dưới sự đô hộ của phát xít Pháp và thực dân Nhật. Dù trong hoàn cảnh khó khăn tất cả cùng đói cùng nghèo nhưng mục đích của tác giả khi đặt ngòi bút không phải để kêu than kể lể mà một phần để lên án những chính sách dã man bóc lột của quân địch, một phần lớn hơn để tôn lên vẻ đẹp trong tâm hồn của con dân Việt Nam. Tình yêu thương giữa con người với con người không có ranh giới rõ ràng, không có phân biệt giới tính, giai cấp hay giàu nghèo. Chính truyện Vợ nhặt đã giúp người đọc hiểu hơn về tình người, giúp đỡ người khác không quá chú trọng kiểu cách hay phải công khai cho cả thế giới biết. Đó chỉ cần là những hành động nhỏ nhặt hay một câu nói động viên vu vơ cũng đủ để cứu giúp một con người.

Mẫu 3

"Vợ nhặt" của Kim Lân chứa đựng rất nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc, trong đó nổi bật là thông điệp về tình yêu thương, khát vọng sống và niềm tin vào tương lai. Thị, Tràng và bà cụ Tứ đều là những con người có thân phận rẻ rúng, nghèo khổ. Giữa lúc nạn đói hoành hành, họ vẫn chọn nương tựa vào nhau, trở thành một gia đình để cùng vượt lên số phận. Câu chuyện về những con người ấy đem đến cho ta bài học ý nghĩa rằng tinh thần tương thân tương ái, khát khao sống mãnh liệt cùng sự hy vọng vào tương lai tươi sáng có thể chiến thắng hiện thực nghiệt ngã. Từ đó, niềm tin và tinh yêu ấy ắt sẽ dẫn con người đến bước đấu tranh chống lại những thế lực bạo tàn, vô nhân đạo. Thông điệp mà Kim Lân đưa ra không chỉ có ý nghĩa trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh mà vẫn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại.

Mẫu 4

Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân đã để lại cho người đọc nhiều bài học nhân sinh. Bài văn không chỉ có giá trị văn học mà còn đậm chất nhân văn, mang hồn của những câu chuyện thực tế cuộc sống. Điều đó được thể hiện qua mối quan hệ của các nhân vật trong truyện. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng giữa bà cụ Tứ với con trai “Tràng” và cô con dâu “Thị”. Từ giây phút bà nhìn thấy người phụ nữ trong ngôi nhà của mình, bà đã lập tức nghĩ đến hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình. Bà biết giờ đây gia đình nghèo khó không đủ ăn lại càng khó hơn khi có thêm một miệng ăn nữa. Đây là tâm lý dễ hiểu bởi dù sao muốn thương người thì cũng phải thương thân mình trước. Những suy nghĩ đó cũng trôi đi nhanh chóng khi bà lập tức vui vẻ chấp nhận thực tế, chấp nhận cô dâu mới của con mình. Dù trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhưng dù bà không thể lo cho con mình về vật chất miếng ăn thì bà luôn cố gắng làm chỗ dựa tinh thần cho các con của mình. Bà luôn tin vào tương lai tươi đẹp, một ngày nào đó sẽ có cơ hội đổi đời nếu như mỗi thành viên trong gia đình đều cố gắng nỗ lực làm ăn với tinh thần vượt khó. Bà luôn dạy con mình phải tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn chứ không phải chăm chăm đổi lỗi cho hoàn cảnh. Cần có niềm tin vào bản thân mình để tìm cảnh xoay chuyển tình thế, chuyển thất bại thành chiến thắng.

Giải pháp ôn luyện cá nhân hóa cùng khóa học PAS THPT dành riêng cho các em học sinh cấp 3. Nhanh tay đăng ký để được nhận ưu đãi từ vuihoc nhé !

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

“Vợ nhặt” là tác phẩm truyện ngắn được sáng tác bởi tác giả Kim Lân. Truyện phản ánh tình trạng nghèo khổ của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây nên. Qua việc soạn bài vợ nhặt, VUIHOC muốn đề cao niềm tin mãnh liệt, vẫn yêu thương, đùm bọc nhau trong cuộc sống của những người nông dân nghèo đói ấy. Các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký các khoá học cùng các thầy cô VUIHOC để có thêm kiến thức về môn ngữ văn 12 nói riêng và các môn học khác nói chung nhé!

>> Mời các bạn tham khảo thêm: 

 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}
Hotline: 0987810990